Dong ho curren - “Hãy nói cho tôi biết bạn đeo đồng hồ loại gì, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người như thế nào”. Câu nói “vay mượn” này đúng với nam giới, bởi việc lựa chọn…
Platine – chất liệu sang trọng
Nói đến platine, người ta nghĩ ngay đến hai chữ “quý hiếm”. Đến từ độ sâu hơn ngàn mét dưới lòng đất, platine là một trong những nguyên tố kim loại rắn chắc, có độ bền vĩnh cửu, không gỉ sét, không bị ăn mòn bởi axít, chịu được nhiệt độ cao, có độ cứng tuyệt vời nhưng dễ dát mỏng và không gãy vỡ. Một gram platine có thể kéo ra thành một sợi chỉ dài 2km! Từ bao đời nay, platine là giấc mơ của nhiều ngành công nghiệp, trong đó quan trọng nhất là lĩnh vực đồ trang sức và đồng hồ cao cấp. Nói không ngoa, platine là chất liệu sang trọng bậc nhất dành cho những người đam mê đồng hồ đẹp và thanh lịch, kín đáo.
Để có được một sản phẩm đồng hồ hoàn chỉnh, thông thường nhà sản xuất cần đến 5g platine. Nhưng để có được 5g platine đó, phải cần đến 50 tấn quặng mỏ được rửa theo một quy trình gồm những công đoạn thật công phu và tốn kém. Đặc biệt, kỹ thuật trích quặng để có platine vẫn được giữ nguyên từ hơn 50 năm nay, dù công nghệ hiện đại có mặt khắp nơi và trong nhiều lĩnh vực.
Một kg platine có giá 37.500 đôla, tức một thỏi nặng 8kg trị giá 300.000 đôla. Do platine thành phẩm có chất lượng tinh khiết đến 95% (so với 75% đối với vàng 18K), với một màu trắng bạc (nên còn được gọi là bạch kim) và không bị “xuống màu”, kim loại này đã trở thành đối thủ đáng gờm của kim cương và các loại đá quý. Theo thống kê, hai ngành kim hoàn và đồng hồ cao cấp cần đến từ 33 – 40% sản lượng platine sản xuất ra trên toàn thế giới.
Đồng hồ đa chức năng – bộ máy cơ học tinh tế
Một chiếc đồng hồ đa chức năng sang trọng và độc đáo nhất không thể không mang trong mình “dòng máu platine”. Sau khi khoa học phát minh và ứng dụng dao động thạch anh vào kỹ nghệ đồng hồ và nhất là sau khi phát triển công nghệ vi xử lý, đồng hồ đa chức năng ngày càng phổ biến, mang tính đại chúng hơn và tìm được một chỗ đứng trong ý tưởng và tâm lý chọn lựa của nhiều người.
Song ngược lại, khi khoa học đã đạt đến một trình độ cao với những khái niệm về tự động hoá, chiếc đồng hồ đa chức năng nào có vẻ càng cổ điển và càng cơ học thì càng được ưa chuộng, đơn giản vì đó là biểu hiện của sự sang trọng. Nói chung, những kiểu dáng cổ điển được chia thành hai nhóm chính: nhóm của những đồng hồ cung cấp thông tin về thời gian nói chung và hiểu theo nghĩa rộng, và nhóm cung cấp những dữ liệu về niên lịch.
Đồng hồ bấm giờ và các biến thể
Đây là những kiểu đồng hồ chủ yếu cung cấp thông tin về thời gian và độ dài thời gian. Dù được phát minh vào thế kỷ 18, nhưng phải đợi đến hơn 100 năm sau, loại đồng hồ này mới có được dáng vẻ của ngày hôm nay. Tiện ích của chúng được ghi nhận một cách khá bất ngờ, chẳng hạn có người thích dùng đồng hồ bấm giờ cao cấp chỉ để canh thời gian luộc một quả trứng “à la coque” cho bữa ăn sáng! Các tài xế thường muốn chiếc đồng hồ bấm giờ của mình có thêm một thang chia độ đo vận tốc của xe đang chạy (trang bị này còn được gọi là tốc kế).
Còn trong lĩnh vực hàng không, có một chức năng khác rất được ưa chuộng: chạy lùi. Chức năng này chỉ cần một thao tác duy nhất để dừng kim giây, trả về số 0 và khởi động lại một quá trình đếm mới mà không “thất thoát” một giây nào cả. Vì thế, chức năng chạy lùi rất tiện dụng cho các phi công để quản lý và theo dõi chuyến bay của mình.
Trong một ý tưởng khác, còn có những phiên bản đặc biệt làm giới sành điệu phải ngẩn ngơ, với việc tính thời gian ở độ chính xác 1/8 giây. Và mới đây, TAG Heuer đã cho ra đời một kiểu đồng hồ đếm giây hoạt động cơ học nhưng chính xác đến 1/100 giây. Những loại đồng hồ này là món quà quý dành cho các lĩnh vực thể thao cần độ chính xác thời gian cao nhất.
Đồng hồ bấm giờ kèm niên lịch: đó là ứng dụng của những thành tựu về mặt vận hành cơ học để cung cấp cho người đeo những thông tin về ngày, tháng, năm, kể cả chu kỳ quay của mặt trăng.
Prince của Rolex Cellini
Thật ra, những chỉ số này trên thực tế đã có từ lâu lắm rồi, cũng ngang với sự ra đời của đồng hồ vậy. Nhưng phải đợi đến cuối thế kỷ 18, với phát minh ra lịch vĩnh cửu của Abraham Louis Breguet, việc hiển thị tự động trên mặt đồng hồ các thông số về tháng chẵn, tháng lẻ và năm nhuận mới được áp dụng. Và đi kèm với những thông tin này là việc hiển thị các chu kỳ của mặt trăng, thậm chí có những dòng sản phẩm được trang bị cả một vòm trời đầy sao của Bắc hoặc Nam bán cầu.
Hẳn nhiên những sản phẩm quá chuyên biệt này thật ra chỉ dành cho những người thích sưu tập hơn là có giá trị thực tiễn cho những ứng dụng thông thường.
Điệu luân vũ trên mặt số
Nhằm tạo ra những cách thể hiện đa dạng, độc đáo và hiệu quả nhất trên mặt số, không gì hiệu quả bằng việc khai thác tất cả những sự khác biệt cần có trong cách thức hiển thị thông tin về giờ. Khởi đầu cho quá trình “đa dạng hoá mặt số” này, phải kể đến những đóng góp của hãng Breguet với việc cho ra đời những mặt số nhỏ để thông báo thời gian bảo toàn năng lượng – rất hữu ích cho những thợ lặn – cùng với việc gắn thêm vào đó nhiều chiếc kim nhằm hiển thị những thông tin khác nhau. Tất cả đã khơi nguồn cho một xu hướng mới của những người yêu thích các mặt số “đa hiển thị”.
Tuy nhiên, phải kể đến một kỳ tích mang tính thẩm mỹ cao nhưng rất đơn giản và tạo ra được một mặt số thật sự thanh thoát: chiếc đồng hồ “nhảy giờ” mà trên đó, mặt số chỉ có một chiếc kim đếm giây duy nhất, kèm theo là một ô số lật dùng để thông báo giờ. Thật đơn giản! Nhưng kỳ thật, kiểu đồng hồ này đang có xu hướng “nổi đình nổi đám” trong giới thời trang đồng hồ.
Đồng hồ tương lai có mặt số vuông
Vào đầu thế kỷ trước, những chiếc đồng hồ vuông được xem là những sản phẩm đi trước thời đại. Trải qua cả một thế hệ vàng trong giai đoạn Art Déco, đồng hồ vuông đã tìm được vị thế xứng tầm trong sự chọn lựa thời trang của phái mạnh.
Nhìn lại lịch sử, ngay sau khi “bước ra” từ chiếc túi áo (quần) để “leo” lên cổ tay, đồng hồ khởi thuỷ là một vật dụng có hình tròn. Khi các nhà sản xuất gắn thêm vào đó những “chiếc quai” để đính vào bộ dây đeo bằng da thì người sử dụng mới có thể… đeo được! Đó hẳn đã là một khoảng thời gian dài vắt óc của những nhà thiết kế, cốt sao cho chiếc đồng hồ đeo tay đảm bảo được một chức năng quan trọng và ưu tiên nhất: phải “ôm” cho được cổ tay và tạo được cảm giác thoải mái cho người sử dụng. Chính vì lẽ đó mà những kiểu dáng đồng hồ vuông đã ra đời song song với những kiểu dáng tròn. Đồng thời, chúng ta còn thấy một “người em song sinh” của đồng hồ vuông là kiểu đồng hồ hình chữ nhật.
Chính Louis Cartier là người khai sinh ra chiếc đồng hồ vuông đầu tiên trên thế giới vào năm 1904, chiếc Santos. Sau đó, năm 1917, chiếc Tank hình chữ nhật ra đời, cũng vẫn từ “chiếc nôi” Cartier. Tiếp sau đó, những Omega, Longines và Tissot đua nhau ra nhiều dòng sản phẩm vuông với những con số Ả Rập và La Mã lớn. Tất cả đã ít nhiều trở nên nổi tiếng vào thời đó, đem lại những thành công ngoạn mục cho các hãng sản xuất nói trên.
Năm 1932, một sự kiện được cho là “giật gân” trong lịch sử của đồng hồ mặt vuông: chiếc Marine của Omega – chiếc đồng hồ vuông kín nước đầu tiên trên thế giới – được trình làng. Với chứng nhận bản quyền số 146 310 cấp ngày 10.3.1930, Marine đã gây được sự chú ý đặc biệt với một cặp vỏ đôi tháo lắp được: phần vỏ bên trong được lồng khít và ép chặt vào phần vỏ ngoài qua trung gian một đệm da không thấm nước.
Cuối cùng, thiết kế mặt vuông được các nhà chuyên môn đánh giá là thuận lợi hơn cho người đeo so với mặt tròn khi cần xem giờ. Hiện nay, loại đồng hồ mặt vuông được sản xuất với đầy đủ các chức năng của một đồng hồ đa chức năng sang trọng nhất và tân thời nhất. Nói cho cùng, kiểu dáng vuông đang là “à la mode” nhất. Và trong tương lai, chắc chắn khối hình vuông đó sẽ đứng vững.
Đồng hồ dành cho nam giới ngày nay được biến tấu đến một mức độ đa dạng hiếm thấy về kiểu dáng và tính năng. Nói chung, đó là những chiếc đồng hồ có kích thước lớn và được chế tác từ những nguyên liệu xếp vào hàng top.
Đồng hồ của tương lai sẽ không chỉ có hình tròn truyền thống mà là hình vuông, chữ nhật và cả hình thoi, hình đa giác…